Tác dụng phụ của viết hồ sơ du học
Đợt vừa rồi mình có một học viên học IELTS để thi apply học bổng thành công đi UK. Trong quá trình ấy, mình cũng được biết thêm kha khá về hồ sơ du học, mà nổi bật nhất là 2 bức thư Statement of Purpose (SoP) và Letter of Recommendation (LoR).
Nhân dịp anh ấy vừa “vượt biên” thành công, mình muốn viết đôi dòng nhìn lại quá trình thú vị ấy.
Ngoài tác dụng chính là giấy tờ cần thiết cho hồ sơ, với mình, tác dụng phụ của việc ngồi ngẫm nghĩ 2 thư này còn tốt hơn rất nhiều.
Do nội dung,
SoP yêu cầu chúng ta nói về việc tại sao lại muốn học tại Trường X, ngành Y, thời điểm Z, chúng ta có gì phù hợp, nhu cầu chúng ta là gì,…
Tương tự, với LoR. Thật ra chính xác thì LoR phải được viết bởi 1 người từng làm việc (sếp) hoặc giảng viên đại học của học viên, nhưng có lẽ đa phần học sinh khi đi du học đều phải tự viết rồi đưa cho Sếp hoặc thầy cô đọc lại và ký chứ ít khi có thầy cô nào tự viết cho mình.
Nếu thử soi lại suốt quá trình học cấp 1-2-3 rồi ĐH tại Việt Nam, chưa một lần nào mình phải tự ngẫm về cái mình muốn & cái người khác nghĩ về mình như vậy. Do vậy, quả đúng là việc viết SoP & LoR là một sự cực khổ, vì chúng ta vốn dĩ gần như chẳng bao giờ được hỏi về những điều đó.
(thường thì hay được hỏi “làm đâu rồi? lương bao nhiêu? Lấy vợ chưa?” kiểu kiểu vậy nhỉ 😊) )
Việc tự nhìn vào chính mình rồi lại đặt mình ở vị trí người khác cho chúng ta cơ hội được hiểu thêm về bản thân mình, thậm chí tự xem xét lại xem việc du học có là cần thiết không. Có lẽ đó chính là mong muốn của các trường nước ngoài, và đó cũng là điều mà hệ thống tuyển sinh VN nên học hỏi. Chắc sẽ phần nào giảm được những thành phần mà cuối cùng ra trường lại làm trái ngành trái nghề như mình
Do hình thức,
SoP & LoR chúng ta phải viết tiếng Anh, nhiều bạn có thể coi đây lại là thêm 1 trở ngại lớn nữa, nhưng với mình thí nó vẫn cứ là cơ hội. Nó là cơ hội để nói những điều rất quan trọng mà trong tiếng Việt vốn “ngượng mồm”.
Thật vậy, khi mình học TESOL online, giảng viên TESOL có nói, khi nói các ngôn ngữ khác nhau, chúng ta như tìm thấy những “persona” (nhân dạng) khác.
Chắc ai cũng sẽ đồng ý là khi nói mấy câu sến thì nói tiếng Anh sẽ đỡ sến, hoặc khi chửi cũng vậy 😊) nghe nó cũng đỡ nặng nề.
Tương tự, nếu giờ, mình nói “Tôi muốn trở thành …” (thay vì “I want to become…”) nghe nó cứ đa cấp kiểu gì ấy 😊) vì vốn dĩ trong giao tiếp tiếng Việt, chắc chỉ ở các tổ chức đa cấp người ta mới hô hào mấy cái đó. Vô hình chung, khi nói những câu đấy, ta lại ngượng mồm. Và thế là 1 điều rất tốt lại trở nên khó khăn hơn để nói ra.
Nói đến đây lại nghĩ về IELTS Speaking, dù không được “deep” như SoP, LoR, nhưng nó cũng cho ta cơ hội được nói và quan trọng hơn là được “nghĩ” về cái mình muốn, mình thích và quan trọng hơn là đào sâu thêm “tại sao mình lại nghĩ vậy”. Bạn sẽ bất ngờ trước số lượng quyết định quan trọng mà chúng ta đưa ra mà không dựa trên 1 nguyên nhân cụ thể nào cả (hoặc nguyên nhân rất nhạt là mình thích thì mình làm …)
May thay, với yêu cầu của IELTS mong muốn người học phải kéo dài câu trả lời bằng việc đưa ra nguyên nhân, dẫn chứng cụ thể, từ đó, chúng ta buộc phải đưa ra lời giải thích. Nhờ vậy, ta càng hiểu thêm về bản thân và biết đâu nhờ việc học những câu Speaking Part 3 như “Why do people want to study abroad?” bạn sẽ tự tìm được hướng đi cho SoP, LoR vốn đang rất bí ý tưởng của mình.
Đăng nhận xét